Lịch sử Mecca

Lịch sử sơ khởi

Một bản đồ của Ottoman vào năm 1787 về Masjid al-Haram và các địa điểm tôn giáo liên quan (Jabal al-Nour)

Lịch sử sơ khởi của Mecca vẫn bị tranh chấp ở mức độ lớn, do không có đề cập rõ ràng về nó trong tài liệu cổ đại trước khi Hồi giáo xuất hiện.[25]Đế quốc La Mã (Roma) đoạt quyền kiểm soát một phần Hejaz vào năm 106,[26] có các thành phố chỉ huy như Hegra (nay gọi là Mada'in Saleh), nằm về phía bắc của Mecca. Người La Mã có các mô tả chi tiết về miền tây bán đảo Ả Rập, như Procopius, song không nói đến một tiền đồn hành hương và mậu dịch giống như Mecca.[27] Đề cập trực tiếp đầu tiên về Mecca trong tài liệu bên ngoài xuất hiện vào năm 741 trong Biên niên sử Byzantine-Ả Rập, song trong đó tác giả đặt nó tại Lưỡng Hà thay vì tại Hejaz.[27]

Do khu vực có môi trường khắc nghiệt[28] và việc thiếu vắng các tham chiếu lịch sử trong các nguồn La Mã, Ba Tư và Ấn Độ, nên các sử gia như Patricia CroneTom Holland nghi ngờ trước tuyên bố rằng Mecca là một tiền đồn mậu dịch lớn trong lịch sử.[28][29]

Sử gia Hy Lạp Diodorus Siculus viết về bán đảo Ả Rập trong tác phẩm Bibliotheca historica của ông, mô tả một đền thờ linh thiêng: "Và một đền thờ được dựng lên tại đó, là nơi rất linh thiêng và cực kỳ được sùng kính đối với tất cả người Ả Rập".[30] Mô tả được cho là có thể ám chỉ đến Kaaba tại Mecca, tuy nhiên vị trí địa lý mà Diodorus miêu tả nằm tại tây bắc bán đảo Ả Rập, ở khoảng khu vực Leuke Kome, gần với Petra hơn và nằm trong Vương quốc Nabatea cổ và sau là tỉnh Arabia Petraea thuộc La Mã.[31][32]

Ptolemy liệt kê danh sách 50 thành phố tại bán đảo Ả Rập, một nơi có tên là "Macoraba". Tồn tại suy đoán rằng đây có thể là một sự ám chỉ đến Mecca. Tuy nhiên, do thiếu mô tả hoặc bất kỳ tài liệu ủng hộ nào khác nên luận điểm này được xem là có thể gây tranh chấp.[33]

Một số bản khắc Thamud được phát hiện tại miền nam Jordan có tên của một số cá nhân như "Abd Mekkat", có nghĩa là "nô bộc của Mecca".[34] Ngoài ra còn có một số bản khắc khác có các tên người như "Makky" nghĩa là "người Mecca", song Jawwad Ali từ Đại học Baghdad đề xuất rằng cũng có khả năng một bộ lạc tên là "Mecca".[35]

Quan điểm Hồi giáo

Theo truyền thuyết Hồi giáo, lịch sử Mecca có nguồn gốc từ Abraham (Ibrahim), ông cho xây dựng Kaaba với giúp đỡ từ người con cả của mình là Ishmael vào khoảng năm 2000 TCN khi cư dân tại địa điểm được gọi là Bakkah rời bỏ thuyết độc thần của Abraham do ảnh hưởng của người Amalek.[36] Cựu Testament trong chương Thánh Vịnh 84:3–6 có một đề cập đến một cuộc hành hương tại thung lũng Baca, người Hồi giáo nhìn nhận rằng điều này có liên quan đến việc đề cập Mecca là Bakkah trong Surah 3:96 của Quran.

Vào một thời điểm trong thế kỷ V, Kaaba là một địa điểm thờ cúng các vị thần của các bộ lạc dị giáo trên bán đảo Ả Rập. Vị thần dị giáo quan trọng nhất của Mecca là Hubal, được bộ lạc Quraysh đưa vào thờ tại đó[37][38] và duy trì cho đến thế kỷ VII.

Trong Sharḥ al- Asāṭīr, một bài bình luận trong bảng niên đại kiểu midrash của người Samaria về các tộc trưởng, có niên đại không rõ song có lẽ được soạn vào thế kỷ X, nó cho rằng Mecca được xây dựng bởi những con trai của Nebaioth- con cả của Ishmael.[39][40][41]

Trong thế kỷ V, bộ lạc Quraysh đoạt quyền kiểm soát Mecca, và họ trở thành các thương nhân có kỹ năng. Đến thế kỷ VI, họ tham gia hoạt động mậu dịch gia vị sinh lợi, do chiến tranh ở những nơi khác khiến cho các tuyến mậu dịch chuyển từ các tuyến trên biển nguy hiểm sang các tuyến đường bộ an toàn hơn. Đế quốc Đông La Mã (Byzantine) trước đó từng kiểm soát biển Đỏ, song nạn hải tặc gia tăng. Một tuyến khác trước đó chạy qua vịnh Ba Tư thông qua các sông TigrisEuphrates song cũng bị đe doạ lợi dụng từ Đế quốc Sassanid, và bị phá vỡ bởi người Lakhm, Ghassan, và các cuộc chiến tranh La Mã-Ba Tư. Tầm quan trọng của Mecca với vị thế là một trung tâm mậu dịch cũng vượt qua các thành phố PetraPalmyra.[42][43] Tuy nhiên, người Sassanid không phải luôn tạo thành mối đe doạ đối với Mecca, như vào năm 575 họ bảo vệ Mecca khỏi cuộc xâm chiếm từ Vương quốc Axum dưới quyền lãnh đạo của thủ lĩnh theo Cơ Đốc giáo Abraha. Các bộ lạc tại miền nam bán đảo Ả Rập yêu cầu Quốc vương Ba Tư Khosrau I viện trợ, đáp lại ông nam tiến đến bán đảo Ả Rập với bộ binh và một hạm đội tàu đến Mecca. Việc Ba Tư can thiệp đã ngăn chặn Cơ Đốc giáo truyền bá về phía đông đến bán đảo Ả Rập, và Mecca cùng Nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad "sẽ không lớn lên dưới cây Thánh giá", Muhammad khi đó mới sáu tuổi và sống trong bộ lạc Quraysh.[44]

Đến giữa thế kỷ VI, tồn tại ba khu định cư lớn tại miền bắc bán đảo Ả Rập, tất cả đều nằm dọc bờ biển tây nam giáp biển Đỏ, trong một khu vực có thể ở được nằm giữa biển và các dãy núi lớn ở phía đông. Mặc dù khu vực xung quanh Mecca hoàn toàn cằn cỗi, song đây là nơi giàu có nhất trong ba khu định cư lớn nhờ nguồn nước dồi dào từ giếng Zamzam nổi tiếng, và có vị trí tại giao điểm của các tuyến đường đoàn buôn lớn.[45]

Các điều kiện khắc nghiệt và địa hình của bán đảo Ả Rập khiến các bộ lạc địa phương ở trong tình trạng xung đột gần như liên miên, song vào một lần trong năm họ tuyên bố đình chiến và cùng đi đến Mecca trong một cuộc hành hương thường niên. Đến thế kỷ VII, người Ả Rập dị giáo dùng hành trình này cho mục đích tôn giáo để bày tỏ tôn kính với điện thờ của họ, và để uống nước từ giếng Zamzam. Tuy nhiên, nó cũng là khoảng thời gian mỗi năm để phân xử các tranh chấp, các khoản nợ được giải quyết, và việc mua bán có thể xuất hiện trong các chợ phiên Mecca. Các sự kiện thường niên này khiến cho các bộ lạc có cảm giác về bản sắc chung và biến Mecca thành một trung tâm quan trọng của bán đảo Ả Rập.[46]

Năm con Voi là tên gọi trong lịch sử Hồi giáo, tương ứng với khoảng năm 570 theo Tây lịch. Theo truyền thuyết Hồi giáo, Muhammad sinh vào năm này.[47] Theo các học giả Hồi giáo ban đầu như Ibn Ishaq, Abraha là người cai trị Cơ Đốc giáo của Yemen, lệ thuộc Vương quốc Aksum của Ethiopia, ông cho xây dựng một nhà thờ tại Sana'a gọi là al-Qullays nhằm tôn vinh Quốc vương Aksum Negus. Nhà thờ này có tiếng tăm lan rộng, thậm chí còn được chú ý của Đế quốc Đông La Mã.[47] Abraha nỗ lực chuyển hướng cuộc hành hương của người Ả Rập từ Kaaba đến al-Qullays và cử Muhammad ibn Khuza'i đi chuyển thông điệp đến Mecca và Tihamah rằng al-Qullays tốt hơn nhiều so với các công trình cúng bái khác và còn thanh khiết hơn.[47] Khi Muhammad ibn Khuza'i đến vùng đất của người Kinana, cư dân cử người bắn tên giết chết nhân vật này. Abraha tức giận và thề sẽ tập kích bộ lạc Kinana và phá huỷ đền thờ. Ibn Ishaq nói rằng một thành viên của bộ lạc Quraysh tức giận trước điều này, và đi đến Sana'a rồi lẻn vào nhà thờ vào ban đêm và làm ô uế nó. Abraha[48][49] đem một đội quân lớn hành quân đến Kaaba, gồm nhiều voi chiến, với ý định phá huỷ nơi này. Khi biết tin quân Abraha tiến đến, các bộ lạc Ả Rập là Quraysh, Banu Kinanah, Banu Khuza'a và Banu Hudhayl liên hiệp nhằm phòng thủ Kaaba. Một người đến từ Vương quốc Himyar được Abraha phái đi khuyên họ rằng Abraha chỉ muốn phá huỷ Kaaba và nếu họ kháng cự thì sẽ bị tiêu diệt. Abdul-Muttalib (ông của Muhammad) bảo cư dân Mecca đi lánh nạn trên các khu đồi, còn ông cùng một số thành viên lãnh đạo của bộ lạc Quraysh vẫn ở quanh Kaaba. Đến khi Abraha tấn công Mecca, con voi dẫn đầu có tên là Mahmud,[50] được thuật là dừng lại tại ranh giới quanh Mecca và từ chối tiến vào. Điều này tạo ra thuyết rằng một dịch bệnh như đậu mùa có thể đã khiến cuộc xâm chiếm Mecca này thất bại.[51] Còn theo surah al-Fil, [khi Abraha chuẩn bị tiến vào thành phố] xuất hiện một đám mây đen gồm các con chim nhỏ do Allah phái đến. Các con chim mang các hòn đá nhỏ ở mỏ chúng và ném vào quân Ethiopia, khiến họ tan vỡ.

Cụ của Muhammad được thuật là người đầu tiên sử dụng đoàn buôn lạc đà, chúng có vai trò lớn trong nền kinh tế nhộn nhịp của Mecca. Các liên minh hình thành giữa các thương nhân tại Mecca và các bộ lạc du mục địa phương, các bộ lạc đem hàng hoá như da thuộc, gia súc và kim loại khai thác trên các núi của địa phương đến Mecca, chúng sau đó được chất lên các đoàn buôn và đưa đến các thành phố tại SyriaIraq.[52] Các tường thuật lịch sử cũng cung cấp một số dấu hiệu về việc hàng hoá từ các lục địa khác cũng có thể đã đi qua Mecca. Hàng hoá từ châu Phi và Viễn Đông đi qua thành phố trên đường đến Syria gồm có gia vị, da thuộc, thuốc, vải và nô lệ; đổi lại Mecca tiếp nhận tiền, vũ khí, ngũ cốc và rượu vang, rồi phân phối chúng ra khắp bán đảo Ả Rập. Cư dân Mecca ký kết các thoả thuận với cả Đông La Mã và người Bedouin, và thương lượng việc qua lại an toàn cho các đoàn buôn, cho họ quyền sử dụng nước và đồng cỏ. Mecca trở thành trung tâm của một bang liên lỏng lẻo gồm các bộ lạc, trong đó có Banu Tamim. Các thế lực khác trong khu vực như Abyssinia, Ghassan, và Lakhm đang suy yếu khiến mậu dịch tại Mecca trở thành thế lực ràng buộc chủ yếu tại bán đảo Ả Rập vào cuối thế kỷ VI.[46]

Muhammad và chinh phục Mecca

Jabal al-Nour là nơi Muhammad được cho là đã nhận được tiết lộ đầu tiên của Thượng đế thông qua Tổng thiên thần Gabriel.

Muhammad sinh tại Mecca vào năm 570, và do đó Hồi giáo có liên kết chặt chẽ với địa điểm này. Ông sinh ra trong một phái nhỏ là Nhà Hashem, thuộc bộ lạc Quraysh. Theo truyền thuyết Hồi giáo thì tại Mecca, trong hang Hira trên núi Jabal al-Nour, Muhammad bắt đầu nhận các tiết lộ thần thánh từ Thượng đế thông qua Tổng thiên thần Gabriel vào năm 610, và chủ trương về thể thức độc thần Abraham của ông, tương phản với thuyết dị giáo của cư dân Mecca. Sau khi bị các bộ lạc dị giáo ngược đãi suốt 13 năm, đến năm 622 Muhammad di cư (Hijra) cùng đồng đạo (Muhajirun) của ông đến Yathrib (về sau gọi là Medina). Tuy nhiên, xung đột giữa Quraysh và người Hồi giáo tiếp tục: Hai bên giao tranh trong trận Badr, kết quả là người Hồi giáo đánh bại bộ lạc Quraysh ra khỏi Medina; còn trong trận Uhud thì kết quả không dứt khoát. Về tổng thể, các nỗ lực của người Mecca nhằm tiêu diệt Hồi giáo bị thất bại và tỏ ra tốn kém và không thành công. Trong trận chiến Hào vào năm 627, liên quân bán đảo Ả Rập cũng không thể đánh bại lực lượng của Muhammad.[53]

Năm 628, Muhammad cùng các môn đồ của ông muốn đến Mecca để hành hương, song bị bộ lạc Quraysh ngăn cản. Sau đó, người Hồi giáo và người Mecca đạt được Hiệp định Hudaybiyyah, theo đó bộ lạc Quraysh cam kết ngưng chiến đấu với người Hồi giáo và cam kết rằng người Hồi giáo sẽ được cho phép vào thành phố để tiến hành cuộc hành hương vào năm sau. Điều này có nghĩa là đình chiến trong 10 năm, song chỉ hai năm sau bộ lạc Quraysh vi phạm hoà ước khi tàn sát một nhóm người Hồi giáo và các đồng minh của họ. Muhammad cùng các đồng đạo có đến 10.000 người hành quân đến Mecca. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục chiến đấu thì thành phố Mecca đầu hàng Muhammad, ông tuyên bố hoà bình và ân xá cho các cư dân thành phố. Các tín đồ của Muhammad phá huỷ các hình tượng dị giáo, và các địa điểm bị Hồi giáo hoá và chuyển đổi mục đích để thờ phụng Thượng đế. Mecca được tuyên bố là địa điểm linh thiêng nhất trong Hồi giáo, được quy định là trung tâm trong cuộc hành hương của người Hồi giáo, một trong năm Cột trụ của Hồi giáo. Sau đó, Muhammad trở về Medina sau khi giao cho Akib ibn Usaid làm thống đốc của thành phố. Các hoạt động khác của Muhammad dẫn đến thống nhất bán đảo Ả Rập.[42][53]

Muhammad mất vào năm 632, song với nhận thức thống nhất được ông truyền cho Ummah (dân tộc Hồi giáo), Hồi giáo bắt đầu bành trướng nhanh chóng, vươn xa từ Bắc Phi đến châu Á và một phần châu Âu. Khi Đế quốc Hồi giáo phát triển, Mecca tiếp tục thu hút người hành hương từ khắp thế giới Hồi giáo và bên ngoài, do người Hồi giáo đến thành phố để cử hành cuộc hành hương Hajj thường niên. Mecca cũng thu hút các học giả, những người Hồi giáo sùng đạo đến thường trú, vì họ muốn sống gần Kaaba, cùng cư dân địa phương phục vụ người hành hương. Do khó khăn và tốn kém của Hajj, những người hành hương đi thuyền đến Jeddah rồi đi bằng đường bộ, hoặc tham gia các đoàn bộ hành thường niên từ Syria hoặc Iraq.

Trung đại và cận đại

Mecca chưa từng là thủ đô của nhà nước Hồi giáo nào, song những người cai trị Hồi giáo đã góp phần sửa sang thành phố. Dưới thời trị vì của Umar (634–44) và Uthman ibn Affan (644–56) lo ngại về nạn lụt khiến đế quốc đưa các kỹ sư Cơ Đốc giáo đến để xây dựng các đập nước ở các miền thấp và xây dựng đê để bảo vệ vùng xung quanh Kaaba.[42]

Muhammad di cư đến Medina khiến trọng điểm rời xa khỏi Mecca, và còn xa hơn nữa khi vị khalip thứ tư là Ali lên nắm quyền và chọn Kufa (nay thuộc Iraq) làm thủ đô. Đế quốc Umayyad chuyển thủ đô đến Damascus thuộc Syria còn Đế quốc Abbasi thì chuyển đến Baghdad nay thuộc Iraq, thành phố này là trung tâm của Đế quốc Hồi giáo trong gần 500 năm. Mecca trở lại trong lịch sử chính trị Hồi giáo trong Nội chiến Hồi giáo lần thứ hai (680–692), khi thành phố nằm trong tay Abd Allah ibn al-Zubayr, một người Hồi giáo phản đối các khalip của Umayyad. Thành phố hai lần bị quân Umayyad bao vây, vào năm 683 và 692. Trong một số khoảng thời gian về sau, thành phố ít có tên tuổi trong chính trị, song duy trì là một thành phố mộ đạo và thông thái nằm dưới quyền cai quản của các sharif Nhà Hashem.

Mecca vào năm 1910

Năm 930, Mecca bị người Qarmat tấn công và cướp phá, đây là một giáo phái Hồi giáo Ismail theo chủ nghĩa thiên niên kỷ dưới quyền Abū-Tāhir Al-Jannābī và tập trung tại miền đông bán đảo Ả Rập.[54] Dịch bệnh Cái chết Đen tấn công Mecca vào năm 1349.[55]

Năm 1517, Sharif Barakat bin Muhammed thừa nhận uy quyền tối cao của Khalip Ottoman song duy trì tự trị địa phương ở mức độ lớn.[56] Năm 1803, thành phố bị Nhà nước Saud thứ nhất chiếm lĩnh,[57] họ nắm giữ Mecca đến năm 1813. Sự kiện này là một đòn mạnh vào thanh thế của Đế quốc Ottoman, tức thế lực thực thi chủ quyền đối với thành phố từ năm 1517. Người Ottoman giao nhiệm vụ đoạt lại quyền kiểm soát Mecca cho một chư hầu hùng mạnh của họ là Khedive (phó vương) Ai Cập Muhammad Ali Pasha. Muhammad Ali Pasha tái lập thành công quyền kiểm soát của Ottoman đối với Mecca vào năm 1813.

Mecca thường xuyên bùng phát dịch tả, từ năm 1830 đến năm 1930 dịch tả từng 27 lần bùng phát trong những người hành hương tại Mecca.[58]

Hiện đại

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đế quốc Ottoman liên minh với người Đức đối đầu với Anh và các đồng minh của họ. Đặc vụ T. E. Lawrence của Anh lập mưu với Sharif của Mecca là Hussain bin Ali. Hussein bin Ali khởi nghĩa chống Đế quốc Ottoman, và Mecca là thành phố đầu tiên bị quân đội của ông chiếm lĩnh, vào năm 1916. Cuộc khởi nghĩa của Sharif tỏ ra là một bước ngoặt trong chiến tranh trên mặt trận phía đông. Sharif Hussein tuyên bố thành lập Vương quốc Hejaz, và tuyên bố Mecca là thủ đô của quốc gia mới này.

Tin tức tường thuật vào tháng 11 năm 1916[59] qua đầu mối tại Cairo với những người hành hương Hajj trở về, nói rằng với việc nhà cầm quyền Thổ Ottoman biến mất, Mecca trong dịp Hajj vào năm 1916 đã may mắn thoát khỏi nạn tống tiền quy mô và nạn vòi vĩnh phi pháp của người Thổ làm việc cho chính quyền Ottoman.

Sau trận chiến Mecca vào năm 1924, Sharif của Mecca bị gia tộc Saud lật đổ, và thành phố được hợp nhất vào Ả Rập Xê Út.[60]

Ngày 20 tháng 11 năm 1979, hai trăm phần tử có vũ trang theo chủ nghĩa Hồi giáo dưới quyền nhà thuyết pháp Ả Rập Xê Út Juhayman al-Otaibi đã chiếm lĩnh Đại Thánh đường. Họ tuyên bố rằng hoàng tộc Saud không còn đại diện cho Hồi giáo thuần khiết và rằng Masjid al-Haram (Thánh đường thiêng) và Kaaba cần thuộc về những người có đức tin chân chính. Các phiến quân bắt giữ hàng chục nghìn người hành hương làm con tin và tự giam mình trong thánh đường. Cuộc bao vây kéo dài trong hai tuần, kết quả là hàng trăm người chết và thiệt hại đáng kể đối với đền thờ, đặc biệt là hành lang Safa-Marwa. Quân đội Pakistan tiến hành cuộc tấn công cuối cùng; họ được giúp đỡ về vũ khí, hậu cần và kế hoạch từ một đội biệt kích tinh nhuệ thuộc lực lượng GIGN của Pháp.[61]

Dưới thời Nhà Saud cai trị, có ước tính rằng kể từ năm 1985 có khoảng 95% công trình lịch sử của Mecca đã bị phá huỷ, hầu hết có niên đại trên một nghìn năm.[5][62] Các di tích lịch sử có tính chất quan trọng về tôn giáo đã bị Nhà Saud phá huỷ gồm năm trong số "bảy thánh đường" nổi tiếng được xây dựng ban đầu bởi con gái của Muhammad và bốn trong số "các đồng đạo lớn nhất" của ông: Masjid Abu Bakr, Masjid Salman al-Farsi, Masjid Umar ibn al-Khattab, Masjid Sayyida Fatima bint Rasulullah và Masjid Ali ibn Abu Talib.[63]

Theo tường thuật, Mecca hiện còn ít hơn 20 công trình kiến trúc có niên đại từ thời Muhammad. Các công trình khác bị phá huỷ bao gồm nhà của vợ của Muhammad là Khadijah; nhà của đồng đạo Muhammad Abu Bakr; nhà của cháu nội Muhammad Ali-Oraid và Thánh đường abu-Qubais; nơi sinh của Muhammad bị phá để xây một thư viện; còn Pháo đài Ajyad từ thời Ottoman bị phá để xây Tháp Abraj Al Bait.[64]

Nguyên nhân khiến nhiều toà nhà lịch sử bị phá huỷ là để dành không gian xây dựng các khách sạn, căn hộ, bãi đỗ xe và các cơ sở hạ tầng khác cho những người hành hương Hajj. Tuy nhiên, nhiều công trình bị phá huỷ nằm ngoài các lý do như vậy, như khi phát hiện được nhà của Ali-Oraid, Quốc vương Fahd đích thân ra lệnh san phẳng nó vì sợ nơi này sẽ trở thành một điểm hành hương.[62]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mecca http://www.abs-cbnnews.com/storypage.aspx?StoryId=... http://www.anisamehdi.com/projects/insidemecca/pre... http://arabnews.com/saudiarabia/article184594.ece http://global.britannica.com/EBchecked/topic/31568... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/114078/c... http://www.cgijeddah.com/cgijed/haj/orient/visitha... http://articles.cnn.com/2006-01-07/world/hajj.gora... http://elabdarchitecture.com/resume.htm http://www.eosnap.com/?s=dust+storm+n+peninsula+ma... http://www.expressandstar.com/days/1976-2000/1990....